Ngày 12/9, Cục Hóa chất (Bộ Công thương) đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Quản lý chất nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật – Nâng cao nhận thức” tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tp. Hà Nội, từ năm 2011 Tp. Hà Nội đã cho triển khai các chương trình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng. Xu hướng toàn cầu hiện nay là sản xuất nông nghiệp sạch thế nên việc bao bì thuốc BVTV bị vứt bừa bãi không được đưa đến nơi quy định sau khi sử dụng sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường.
Tuy nhiên hiện nay tâm lý của người nông dân sau khi pha thuốc BVTV ở đâu sẽ vứt luôn bao bì ở chỗ đó. Một phần lí do đến từ việc nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc xây dựng các bể chứa bao bì ở vị trí thuận tiện, hợp lý cho người nông dân.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thông, Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm và Môi trường (Cục BVTV – Bộ NN-PTNT) cho biết, theo quy định, người sử dụng sau khi pha chế, phun rải thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV để vào bể chứa theo quy định; Để riêng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với các thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng; Không sử dụng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào các mục đích khác; Không tự ý đốt hoặc đem chôn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải có trách nhiệm: Tổ chức thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong địa bàn quản lý của doanh nghiệp; Ký hợp đồng chuyển giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại để xử lý; Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT; Trả chi phí cho việc xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Trao đổi với báo NNVN, ông Hoàng Thành Vĩnh, Cán bộ phân tích chương trình UNDP, cho hay mục đích của Hội thảo là tập huấn cho các doanh nghiệp để có thể quản lý tốt hơn việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.
“Buổi Hội thảo muốn nhấn mạnh đến 2 hoạt động mà UNDP đang triển khai là Dự án ‘Hóa học xanh’ và tập huấn cho các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Qua đó hỗ trợ tập huấn cho các doanh nghiệp đang kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường cũng như phát triển bền vững”, ông Hoàng Thành Vĩnh nói
Cán bộ phân tích chương trình UNDP cũng cho biết vấn đề nhức nhối hiện nay là việc người nông dân dùng xong thuốc BVTV sẽ vứt luôn xuống kênh mương gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất làm ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm.
“Theo quy định người nông dân sau khi sử dụng thuốc BVTV phải vứt vào các bể chứa, sau đấy chính quyền địa phương sẽ mang những bao bì đấy đi xử lý. Thế nhưng tình hình hiện nay do thiếu kinh phí, ý thức của người dân chưa cao nên thực trạng vẫn rất nan giải”, ông Hoàng Thành Vĩnh nhận định.Cục BVTV đã và đang phối hợp với 18 doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV triển khai thực hiện chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, tổ chức thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng ở 22 tỉnh, thành phía Nam.Trong 7 năm triển khai, Chương trình đã cùng bà con nông dân thu gom hơn 60 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng, trên các ruộng rau, vườn cây ăn quả. Lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng này được đem tiêu hủy hoàn toàn tại nhà máy xi măng Insee Việt Nam.Hiện nay, chương trình đang triển khai giai đoạn 2, có mở rộng ra một số tỉnh phía Bắc.
“Hội Hóa chất Nông nghiệp TP Hà Nội đã kết hợp với UNDP để tổ chức lớp tập huấn đào tạo giảng viên. Đội ngũ giảng viên đó sẽ cùng người nông dân xuống đồng ruộng, nâng cao nhận thức cộng đồng về vỏ bao bì thuốc BVTV. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ lồng ghép những chương trình như thu gom rác thải nhựa, vỏ bao bì thuốc BVTV để tìm giải pháp xử lý tại một số địa phương”, ông Đàm Quang Thắng (ảnh), Chủ tịch Hội Hóa chất Nông nghiệp TP Hà Nội, cho biết.
Theo nongnghiep.vn